một

Thêm một chiếc Galaxy S “đồ cổ“ vẫn được cập nhật phần mềm

Gần đây, Samsung đang phát hành một loạt các bản cập nhật phần mềm cho nhiều smartphone lâu năm, bao gồm cả Galaxy S9 (2018).

Vào đầu tháng này, Samsung đã chuyển Galaxy S9 và Galaxy S9+ sang trạng thái hết thời gian sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc bản cập nhật gần đây nhất cho các thiết bị này là bản cập nhật cuối cùng.

Galaxy S9.

Tuy nhiên, vào ngày 19/4 vừa qua, một bản cập nhật phần mềm cho Galaxy S9 bất ngờ được tung ra. Cho đến nay, bản cập nhật này mới đến tay người dùng Galaxy S9 tại nhà mạng Verizon (Mỹ), sắp tới sẽ đến tay người dùng Galaxy S9 quốc tế.

Các bản cập nhật cho Galaxy S9 và Galaxy S9+ có mã số lần lượt là QP1A.190711.020.G960USQU9FVB2 và QP1A.190711.020.G965USQU9FVB2. Ghi chú cho biết các bản cập nhật đi kèm với bản vá bảo mật tháng 3/2022 và một số bản sửa lỗi.

Về mặt lý thuyết, đây sẽ là bản cập nhật cho Galaxy S9 cuối cùng. Điều này đồng nghĩa với việc dòng Galaxy S9 không còn được hỗ trợ nữa. Bản cập nhật cuối cùng là dấu hiệu cho thấy người dùng nên nâng cấp. Hiện tại, Samsung vẫn đang tiếp tục cập nhật phần mềm cho nhiều điện thoại “đồ cổ” của mình. Ví dụ gần đây nhất là Galaxy Note 9.

Vào ngày 16/2/2018, cặp Galaxy S9 và Galaxy S9+ được công bố chính thức, được nhiều chuyên gia dự đoán “bán chạy”. Tuy nhiên, sau 5 tháng, doanh số của chúng chỉ đạt khoảng 8 triệu chiếc – khá thất vọng.

Giới trẻ ngày một cuồng iPhone, Apple Watch

Theo khảo sát mới nhất, các sản phẩm cộp mác “Nhà Táo”: iPhone, AirPods, Apple Watch đều thống trị thị trường công nghệ tuổi teen.

Cuộc khảo sát mới nhất dành cho thanh thiếu niên của Piper Sandler cho thấy kỷ lục mọi thời đại về việc sử dụng tai nghe không dây AirPods của thanh thiếu niên và nhu cầu mạnh mẽ đối với iPhone 13. Các con số là minh chứng cho việc Apple vẫn là nhà sản xuất thiết bị phổ biến nhất cho thanh thiếu niên.

iPhone 13 rất “hút khách”.

Công ty phân tích Piper Sandler thực hiện 2 cuộc khảo sát với thanh thiếu niên Mỹ mỗi năm, cuộc khảo sát gần đây nhất là vào mùa thu năm 2021. Báo cáo mùa xuân năm 2022 mới được công bố cho thấy “Nhà Táo” vẫn duy trì sự phổ biến rộng rãi của mình.

Theo Piper Sandler, 87% trong số 7.100 thanh thiếu niên được khảo sát tại 44 bang của Mỹ, hiện đang sở hữu iPhone. Trong báo cáo trước đó, 86% thanh thiếu niên được khảo sát sở hữu thiết bị cộp mác “Táo Khuyết”.

Có tới gần 90% thanh thiếu niên đang sở hữu iPhone.

Trong cuộc khảo sát mới vào đầu năm 2022, khoảng 18% thanh thiếu niên sở hữu iPhone 13, “vượt xa” con số 12% sở hữu iPhone 12 trong báo cáo trước đó. Tương tự, có tới 34% – tỷ lệ kỷ lục thanh thiếu niên được khảo sát hiện sở hữu Apple Watch. Đây là mức tăng khá lớn so với 30% của cuộc khảo sát trước đó. Tỷ lệ thanh thiếu niên có ý định mua đồng hồ Apple Watch trong 6 tháng tới đã tăng lên 14% so với tỷ lệ 13% trước đó.

Tai nghe không dây AirPods của Apple đã đạt được mức cao nhất mọi thời đại trong các cuộc khảo sát của Piper Sandler, với 72% thanh thiếu niên hiện đang sở hữu một đôi tai nghe này.

Tỷ lệ sở hữu đồng hồ Apple Watch cũng tăng dần theo từng năm.

Piper Sandler cũng báo cáo, tỷ lệ thanh thiếu niên sẽ mua một chiếc iPhone trong thời gian tới sẽ là 87%, tương đương với tỷ lệ được khảo sát vào mùa thu năm 2021. Đồng thời, tỷ lệ thanh thiếu niên sẽ nâng cấp lên iPhone 13 vào đầu năm cũng đã tăng lên 23%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 22% trong khảo sát trước đó.

Công ty nghiên cứu cho biết: “Cả 87% thanh thiếu niên sở hữu iPhone và 87% có ý định mua iPhone vẫn ở gần mức cao kỷ lục trong cuộc khảo sát của chúng tôi. Ngoài ra, những xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng khi công ty giới thiệu iPhone 5G mới, mang tới một chu kỳ nâng cấp mới.”

Piper Sandler cũng cho hay, “những xu hướng tích cực này sẽ là chất xúc tác để tăng trưởng dịch vụ hơn nữa.” Điều này đã được phản ánh qua cách Apple Pay “xếp top đầu” trong số các ứng dụng thanh toán, “một phần là do 87% thanh thiếu niên có iPhone.”

Cuộc khảo sát lần thứ 43 này được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 16/2 – 22/3/2022. Lần này, chỉ có 7.100 thanh thiếu niên tham gia khảo sát, giảm một chút so với 10.000 thanh thiếu niên của báo cáo trước.

Thêm một điện thoại Snapdragon 8 Gen 1 xịn, giá tốt

Motorola vừa công bố chiếc điện thoại cao cấp mới nhất của mình ra thị trường toàn cầu mang tên Moto Edge 30 Pro.

Chiếc smartphone này đi kèm với chip Snapdragon 8 Gen 1, hai camera 50 MP ở mặt sau và một camera selfie 60 MP. Mặc dù chủ yếu dựa trên Moto Edge X30 đã ra mắt trước đó nhưng Edge 30 Pro có pin khác và kích thước thay đổi một chút.

Màn hình của Moto Edge 30 Pro là P-OLED 6,7 inch với độ phân giải Full HD+. Nó đi kèm với tốc độ làm mới 144Hz, tốc độ lấy mẫu cảm ứng 360Hz nhưng sẽ giảm xuống chỉ còn 240Hz với bút cảm ứng. Màn hình 10 bit hỗ trợ HDR+ và được điều chỉnh theo gam màu DCI-P3. Sản phẩm có các tùy chọn RAM 8 GB và 12 GB, cùng ba cấp bộ nhớ trong 128 GB, 256 GB và 512 GB.

Thiết lập máy ảnh phía sau giống hệt Edge X30, bao gồm camera chính 50 MP đi kèm khẩu độ f/1.8, trong khi cảm biến 50 MP thứ hai nằm sau ống kính siêu rộng f/2.2. Ngoài ra hệ thống camera còn có một cảm biến độ sâu 2 MP.

Chiếc điện thoại này cũng gây chú ý với camera selfie 60 MP được đặt bên trong một lỗ, cung cấp một số tính năng như Auto Smile Capture để chụp ảnh ngay lập tức khi tất cả các khuôn mặt đang cười và tất nhiên có rất nhiều thuật toán AI để cải thiện màu sắc và bố cục.

Điện thoại có dung lượng pin 4.800 mAh, hỗ trợ sạc nhanh 68W và sản phẩm đi kèm bộ sạc phù hợp trong hộp bán lẻ. Điện thoại cũng hỗ trợ sạc không dây 15W và sạc ngược không dây 5W.

Motorola sẽ ra mắt Moto Edge 30 Pro ở châu Âu với RAM 12 GB và bộ nhớ trong 256 GB ở mức giá 799 EUR (20,45 triệu đồng). Sản phẩm cung cấp 2 lựa chọn màu sắc Cosmos Blue và Stardust White, dự kiến sẽ sớm được bán ra thị trường.

Foxconn tiến thêm một bước để sản xuất xe điện cho Apple

Đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, Foxconn, đã mua một cơ sở xử lý khác để chuẩn bị cơ hội hợp tác mới với Apple khi nhà sản xuất iPhone phát triển xe điện.

Như là một phần trong kế hoạch chuyển sang sản xuất linh kiện xe điện, Foxconn đã mua một nhà máy sản xuất vi xử lý mới với giá 90 triệu USD. Theo Nikkei Asia, nhà máy này được bán bởi Macronix International, một công ty chuyên về bộ nhớ trước đây đã cung cấp RAM cho Apple. Nhà máy này nằm ở thành phố Tân Trúc của Đài Loan, nơi TSMC đang xây dựng cơ sở mới.

Tuy nhiên, Foxconn không có ý định sử dụng nhà máy này để sản xuất RAM. Thay vào đó, họ đang giữ các cơ sở và thiết bị hiện tại (không bao gồm nhân viên) để phát triển chip SiC. Chất bán dẫn silicon cacbua này được sử dụng trong xe điện và cả các trạm gốc 5G.

“Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi biến nhà máy sản xuất chip 6 inch này thành một cơ sở nghiên cứu và phát triển cũng như sản xuất chip SiC”, Chủ tịch Foxconn Young Liu nói với các phóng viên.

Nhà máy mới được thành lập khi Foxconn tiếp tục nỗ lực sản xuất xe điện, bao gồm hợp tác với Fisker để sản xuất ô tô điện vào năm 2023. Họ cũng đang làm việc với công ty khởi nghiệp Trung Quốc Byton để sản xuất xe điện.

Được biết, Apple cũng đang có ý định tạo ra những chiếc xe điện “Apple Car” của riêng mình. Việc mua lại nhà máy sản xuất chip SiC sẽ là cách để Foxconn có thể đáp ứng những đơn hàng liên quan đến xe điện trong tương lai của Apple.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Không ai an toàn một mình trong thế giới mạng"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bảo đảm an toàn thông tin mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai thịnh vượng của đất nước.

"Đảm bảo cho Việt Nam an toàn trong không gian mạng và cách mạng số là sứ mệnh của mọi cơ quan, tổ chức và toàn thể cộng đồng CNTT Việt Nam. Đặc biệt, hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng cho Việt Nam phải là "Make in Vietnam"", đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2019 với chủ đề "Nâng tầm an toàn, an ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới và Việt Nam đã và đang bước vào không gian mạng với cuộc cách mạng số, trong đó có nhiều thách thức và cơ hội song hành. Không gian mạng là một không gian hoàn toàn mới, cứ mỗi giây lại có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra. Trên không gian mạng, các quốc gia phải đối mặt với những thách thức giống nhau, vì vậy đây là lúc để một thế giới sát cánh bên nhau.

"Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của chúng ta. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số", Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng:

Hệ thống Chia sẻ và Giám sát An toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử. (Ảnh: Cục An toàn thông tin)

Bộ trưởng nhận định: Nếu như trước đây, chúng ta đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trước; thì giờ đây, ứng dụng và phát triển CNTT phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng. Trong mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng như một cấu phần bắt buộc. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Tỉ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu là 10% tổng kinh phí chi cho CNTT. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, tỉ lệ này đang ở mức dưới 5%.

Hơn nữa, nếu như trước đây khi xảy ra ra sự cố thì chúng ta cố gắng giữ kín để càng ít người biết càng tốt; thì giờ đây, chúng ta phải hiểu rằng: Không ai an toàn một mình trong thế giới mạng. Càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn. Không chia sẻ thì sau chúng ta lại sẽ là một ai đấy nữa bị tấn công tương tự, và sau đó lại là một người tiếp theo, và cứ như vậy.

"Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không phải nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công hay không? Mà nằm ở cách thức cơ quan, tổ chức đó phản ứng như thế nào sau khi bị tấn công?".

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

"Nếu như trước đây, khi đầu tư, chúng ta thường chú trọng đầu tư cho giải pháp, thiết bị mà ít chú trọng đến con người, quy trình; thì giờ đây, con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình, rồi mới đến giải pháp, thiết bị. Mỗi cơ quan, tổ chức cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý, cân đối cả 3 yếu tố này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm “Make in Vietnam”. Tới đây, Bộ TT&TT sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong nhằm phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.