Vé máy bay đắt đỏ có phải do 'cõng' gần 20 loại thuế, phí?

Vé máy bay đắt đỏ có phải do 'cõng' gần 20 loại thuế, phí?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định thuế phí do Bộ Tài chính thu trong cơ cấu giá vé máy bay rất thấp

Thuế, phí chiếm bao nhiêu% trong cơ cấu giá vé?

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 23.5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tỷ lệ thuế, phí trong vé máy bay được thu theo quy định và chiếm rất ít. Trong đó, Bộ Tài chính chỉ thu thuế VAT 8 – 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không.

“Thuế, phí trong giá vé máy bay được mấy xu, nhiều là bao nhiêu. Chúng ta cần hiểu các loại phí mọi người nói chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay… do ngành giao thông quản lý”, ông nói.

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính lập tức khiến Cục Hàng không Việt Nam phải lên tiếng “phản pháo”: Giá vé máy bay cao không phải do giá dịch vụ hàng không cao.

Theo nhà chức trách hàng không, cơ cấu chi phí 1 chuyến bay gồm 4 yếu tố. Thứ nhất, nhiên liệu hàng không (chiếm 37 – 42%). Trong đó, chi phí thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm tỷ trọng từ 7,7 – 8,7% tổng chi phí một chuyến bay.

Thứ hai, chi phí thuê mua tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay chiếm 32 – 41%. Thứ ba, chi phí phục vụ chuyến bay chiếm 6 – 7%, bao gồm cả các dịch vụ do Bộ GTVT định giá và các dịch vụ do doanh nghiệp quyết định. Thứ 4 là chi phí bán hàng, quản lý, chi phí khác (16 – 19%)… do doanh nghiệp quản trị.

“Phần chi phí dịch vụ do Bộ GTVT định giá tác động không lớn”, đại diện Cục Hàng không chia sẻ.

Trước đó, tại hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 17.5, ông Nguyễn Cao Cường – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã chỉ rõ: Trong cơ cấu giá vé máy bay, hiện ACV thu 4 nhóm dịch vụ. Nhóm 1 là dịch vụ hạ cất cánh thu theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT là 3 triệu đồng/chuyến bay khứ hồi. Chia bình quân cho đầu người (với chuyến bay khai thác khoảng 80% công suất) thì có giá 20.000 – 21.000 đồng/khách. Mức thu này từ năm 2019 đến nay vẫn giữ ổn định.

Nhóm thứ hai là giá dịch vụ hành khách và đảm bảo an ninh hành khách cũng được thu theo Thông tư 53 /2019. Trong đó, phí an ninh từ 20.000 – 21.000 đồng/khách; phí dịch vụ mặt đất từ 60.000 – 90.000 đồng, tùy thuộc nhóm sân bay (A, B hay C) và chia trung bình thì cũng từ 20.000 – 21.000 đồng/khách.

Thứ ba là dịch vụ cảng, thuê tại quầy thủ tục, ống lồng, băng chuyền… thu theo khung giá quy định, tất cả cộng lại chưa được 5.000 đồng/khách. Cuối cùng là nhóm dịch vụ kỹ thuật mặt đất. Số tiền thu từ dịch vụ này chia đều cho hành khách đi máy bay trên tàu bay A320/321 là khoản 30.000 đồng/hành khách.

“Tổng 4 nhóm giá dịch vụ này, ACV đang thu khoảng 118.000 – 120.000 đồng, cộng thêm khoản thu hộ nhà nước thì cũng chưa tới 150.000 đồng/khách. Mức thu này không tăng từ năm 2019 đến nay” – lãnh đạo ACV thông tin chi tiết.

Đáng chú ý, các cơ quan trên đều nhấn mạnh mọi người đang hiểu sai về thông tin mỗi vé máy bay phải “cõng” 20 loại thuế, phí và cho rằng đây chính là nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay tăng cao. Tuy nhiên, tổng cộng 16 loại thuế, phí theo quy định tại Thông tư 53 /2019 đều đã nằm trong 4 nhóm giá dịch vụ mà ACV đang thu (có 1 khoản giá dịch vụ điều hành bay trả cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam), nghĩa là chỉ ở mức khoảng 150.000 đồng/khách.

Các chi phí này chiếm tỷ trọng khoảng 3 – 5% giá dịch vụ vận chuyển hành khách và được duy trì ổn định trong thời gian dài, chưa có sự điều chỉnh tăng giá. 

Vé máy bay đắt đỏ có phải do 'cõng' gần 20 loại thuế, phí?- Ảnh 2.

Câu chuyện vé máy bay đắt đỏ trở thành vấn đề được rất nhiều người quan tâm, thậm chí bức xúc

PHẠM HỮU

Có thể kéo giảm giá vé chỗ nào?

Theo cấu thành giá vé hàng không nội địa được hiển thị hiện nay, khi mua vé máy bay, khách hàng phải trả các loại giá vé và thuế, phí sau: Giá vé (hãng hàng không thu); thuế giá trị gia tăng (VAT – nộp cho Nhà nước); phí quản trị (hãng hàng không thu); phí dịch vụ sân bay; phí soi chiếu an ninh; phụ thu dịch vụ xuất vé/phí thanh toán.

Trong đó, có 2 khoản do hãng hàng không thu là giá vé và phí quản trị; thuế VAT 10% tính trên giá vé là nộp cho Nhà nước; phần phí dịch vụ sân bay và soi chiếu an ninh do ACV thu. Còn phần phụ thu dịch vụ xuất vé/phí thanh toán thì hành khách trả cho hãng hàng không hoặc đại lý bán vé tùy vào hình thức mua vé.

Đơn cử, nếu đặt vé máy bay hạng Eco của hãng hàng không Vietjet đi từ TP.HCM – Vinh ngày 24.4, phía đơn vị bán vé có thể liệt kê chi tiết từng khoản thu như sau: giá vé là 2,660 triệu đồng (sau thuế là 2.872.800 triệu đồng); phí sân bay nội địa (airport tax domestic) 100.000 đồng; phí dịch vụ hệ thống (admin fee domestic) sau thuế là 232.200 đồng; phí soi chiếu an ninh (airport security) 20.000 đồng và phí quản trị hệ thống (management fee) sau thuế 232.200 đồng). Tổng cộng, khách hàng phải trả 3,457 triệu đồng do 1 chiếc vé. 

Ông Trương Việt Cường, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways khẳng định giá vé máy bay tăng cao khoảng 15 – 20% trong thời gian qua không phải do thuế, phí tăng mà nguyên nhân chính do các hãng hàng không không có cơ hội để mở bán thêm các dải giá vé rẻ như trước đây. Nguyên nhân, do các chi phí đầu vào đều tăng rất mạnh và đây là những yếu tố mà các hãng bay không thể tác động được. Đơn cử, chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 – 77%, thậm chí tăng đến 90%. Cùng với đó là biến động tỷ giá, nguồn cung máy bay khan hiếm trên toàn thế giới… Chưa kể, hạ tầng sân bay cũng như mật độ khai thác quá cao ảnh hưởng rất lớn thời gian bay của các hãng, khiến chi phí khai thác càng đội lên.

Trong bối cảnh những yếu tố khách quan quá bất lợi như vậy, các hãng hàng không càng bay càng lỗ, không có dư địa nào để co kéo giảm được giá thành xuống thấp hơn nữa. Đây là tình trạng chung của tất cả các hãng. Vì thế, để hạ nhiệt giá vé máy bay, chỉ có duy nhất một cách là Nhà nước hỗ trợ giảm các loại thuế, phí (thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng – hiện đang chiếm 7,7 – 8,7% tổng chi phí một chuyến bay); đồng thời tăng chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn. 

“Tuy vậy, phải nhấn mạnh rằng, chúng ta đang tìm giải pháp để có được giá vé máy bay hợp lý, chứ không phải vé máy bay giá rẻ. Hợp lý ở đây là hỗ trợ cả người tiêu dùng lẫn các hãng hàng không. Không thể buộc hạ giá vé sao cho phù hợp với túi tiền của người dân, trong khi các hãng bay kiệt quệ, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản” – lãnh đạo Bamboo Airways nhấn mạnh.

Kinh tế | Tổng hợp tin Kinh tế mới nhất trong ngày

Tin tức liên quan

Yêu cầu Vietnam Airlines giải trình lý do tăng giá vé máy bay

Yêu cầu Vietnam Airlines giải trình lý do tăng giá vé máy bay

Thông tin từ Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi Vietnam Airlines đề nghị báo cáo về lý do tăng giá vé máy bay trong thời gian vừa … Readmore

Đọc tiếp

Yêu cầu Công ty SJC sản xuất vàng miếng khối lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường

Yêu cầu Công ty SJC sản xuất vàng miếng khối lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường

UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, NHNN Chi nhánh TP.HCM và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) về đảm bảo gia công vàng miếng … Readmore

Đọc tiếp

Yêu cầu công ty chứng khoán tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống giao dịch

Yêu cầu công ty chứng khoán tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống giao dịch

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành công văn yêu cầu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, có biện pháp ứng phó với những tình … Readmore

Đọc tiếp